Site icon FUN88

Nghệ sĩ Quang Thảo: Viết kịch bản thiếu nhi là việc quan trọng nhất

Nghệ sĩ Quang Thảo: Viết kịch bản thiếu nhi là việc quan trọng nhất - Ảnh 1.

Quang Thảo là tác giả của vài chục kịch bản, trong đó có nhiều vở thuộc chuỗi kịch Ngày xửa ngày xưa của sân khấu IDECAF – kịch thiếu nhi thu hút khán giả bậc nhất trong gần 25 năm qua. Một trích đoạn ngắn – ban biên soạn đặt tựa Vì đại dương trong xanh – rút từ kịch bản Cuộc phiêu lưu của thuyền trưởng Sinbad: Đại chiến nàng tiên cá của Quang Thảo đã được in trong sách Tiếng Việt 5, tập 2, bộ Chân trời sáng tạo.

Quang Thảo sinh ra tại Bến Tre, từ nhỏ đã mơ thành nhà văn viết cho thiếu nhi, nhưng phải sớm rời quê kiếm sống bằng nhiều việc như chạy xe ôm, phụ bán ở cửa hàng vật liệu xây dựng, thợ chụp hình… trước khi được “rủ” viết kịch bản. Hiện anh sống và làm việc tại TP.HCM, là diễn viên tay ngang nhưng được nhiều đạo diễn chọn lựa, khán giả yêu thích, nên xuất hiện trong rất nhiều phim và kịch.

Vì mọi thứ trong xanh

Mỗi kịch bản trong Ngày xưa ngày xưa của Quang Thảo đều được lồng vào đó những thông điệp sát với cuộc sống thường ngày của các em thiếu nhi một cách nhẹ nhàng, hài hước và cảm động, không giáo điều, sáo rỗng. Vậy nên, các bài học nhỏ về tình thân gia đình, tình bạn, sự sẻ chia và việc chung tay bảo vệ môi trường sống… đã đến với các em một cách vui vẻ.

Khán giả của Quang Thảo không chỉ gặp Sinbad trong cuộc chiến với nàng tiên cá trên sân khấu hồi năm 2022, mà còn có thể gặp ở những “không gian” khác, vì nội dung đầy đủ của kịch bản Cuộc phiêu lưu của thuyền trưởng Sinbad: Đại chiến nàng tiên cá đã được in thành sách, có minh họa đẹp mắt. Đây là kịch bản được diễn 55 suất trên sân khấu và cũng đã đem lại cho Quang Thảo một số giải thưởng.

Quang Thảo kể hồi ở quê nhà Bến Tre được sống trong không khí trong lành, nên chẳng ai nghĩ đến việc bảo vệ môi trường, bản thân anh cũng không ngoại lệ. Những năm 1990, anh chuyển lên TP.HCM sinh sống trong một khu ẩm thấp, nhiều rác thải, thì bắt đầu có những suy nghĩ đầu tiên về việc làm thế nào để có một môi trường sống tốt hơn. Không chỉ nghĩ, nó thôi thúc anh hành động.

Với cá nhân, Quang Thảo luôn cố gắng giảm thiểu rác thải, tạo nhiều mảng xanh cho nơi ở của mình. Anh trồng nhiều cây xanh trong căn nhà và con hẻm của mình, hiện nay ở quận 1, TP.HCM. Với cộng đồng, anh dùng thế mạnh của mình là nêu thông điệp trong kịch bản.

Quang Thảo cho rằng mọi thay đổi về ý thức giữ gìn môi trường sống nên bắt đầu từ trẻ con là cách dễ nhất. Có lần đang đi trên đường, thấy người mẹ cầm hộp sữa đứa bé vừa uống hết quăng xuống giữa đường, anh đã phóng xe lên bảo sao chị xả rác ngoài đường vậy, liền bị người phụ nữ ấy mắng lại. Kinh nghiệm được rút ra là phải chọn cách nói thế nào để người khác không tự ái và anh thường chọn cách thủ thỉ nói với trẻ con, không chỉ trong Ngày xưa ngày xưa mà ở nhiều kịch bản khác nữa. Quang Thảo hành động theo cách của mình và mong rằng có thể giúp các bé bớt tác động xấu đến môi trường.

Với Quang Thảo, môi trường sống không chỉ là thiên nhiên xung quanh, mà còn tất cả những thứ khác nữa như ô nhiễm tiếng ồn, ô nhiễm sáng, làm “ô nhiễm tinh thần” bằng bạo hành… đều ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống của mỗi người, nên muốn có một không gian sống tốt thì tất cả phải trong xanh.

“Ví như người mẹ kể trên, khi hành động như vậy là đã vô tình gieo vào đầu đứa bé rằng mình được quyền xả rác ra đường và chắc chắn đứa bé bị ảnh hưởng vì thái độ của người mẹ khi quát nạt người khác. Ngay lúc ấy, chẳng phải đứa bé đang sống trong môi trường ô nhiễm sao?” – Quang Thảo tâm sự.

Nghĩ về trẻ em

Nếu chỉ đọc những kịch bản mà không biết về cuộc đời của Quang Thảo thì dễ nghĩ rằng anh đã được sinh ra trong một gia đình hạnh phúc nên mới có những tác phẩm đầy tình cảm. Anh nói: “Nếu sinh ra trong một gia đình hạnh phúc, có lẽ tôi đã không trăn trở nhiều về cách làm sao cho một đứa trẻ trở nên hạnh phúc”.

Với Quang Thảo, hoàn cảnh sống được xây dựng nên từ tâm của mỗi người, vì chúng ta không được quyền chọn gia đình để sinh ra, nhưng có quyền chọn một thái độ sống.

“Tôi không tài giỏi gì, chỉ là có đủ phước báu nên không bao giờ có thái độ thù hằn với cuộc đời. Ai hạnh phúc thì tôi chúc mừng họ. Tôi đau khổ thì tôi sẽ tìm cách thoát ra khỏi đó, xưa nay vẫn luôn như vậy, không ganh tỵ với ai và cũng không thấy cuộc đời sao bất công với mình. Chúng ta không sống trong một môi trường chân không nên chắc chắn phải nhiễm những tạp chất, vấn đề là ta dũng cảm chọn điều tốt mỗi khi phân vân giữa một điều tốt và một điều xấu, dù có thiệt thòi cho mình” – Quang Thảo chia sẻ thêm.

Quang Thảo không có được một gia đình đầm ấm, trọn vẹn. Anh phải sớm bươn chải kiếm sống. Sau những nỗ lực, cuộc sống hiện tại rất tốt, nhưng anh vẫn nói rằng: “Dù bây giờ tôi có thể mua được cả trăm chiếc lồng đèn và hàng trăm con thú nhồi bông, nhưng không thể trở thành cậu bé Quang Thảo thuở xưa để hồn nhiên chơi với những món đồ chơi của mình. Mỗi đứa trẻ được sinh ra với mỗi hoàn cảnh khác nhau, nhưng dù sống trong hoàn cảnh nào cũng mong rằng ba mẹ hãy cho con tuổi thơ trọn vẹn, hoặc ít nhất là đừng làm tổn thương con. Tuổi thơ đã qua thì không trở lại, nhưng tổn thương thuở ấy sẽ theo các con suốt đời”.

Đi qua quãng thời niên thiếu buồn bã, Quang Thảo “tự giao trách nhiệm cho mình” cố gắng đem lại niềm vui cho những đứa trẻ khác, để các em có những kỷ niệm đẹp đẽ trong thời thơ ấu của mình.

Anh miệt mài với những kịch bản cho thiếu nhi cũng vì lẽ đó. Không đâu khác, khi đối mặt với màn hình máy tính, Quang Thảo được xây dựng một gia đình mình mong muốn, bồi đắp vào những thiếu thốn mà khi xưa anh chỉ biết ước mơ. Kịch bản của anh chan chứa tình cha mẹ, anh chị em và lòng khoan dung. Đôi khi anh không cố ý, mà thử bắt đầu một cách ngẫu nhiên, thì tinh thần tác phẩm vẫn cứ hướng về trọng tâm là sự thiện lương.

Giỏi nhất khi viết kịch bản

Những năm gần đây, từ một người đứng đằng sau các tác phẩm, Quang Thảo đã “thẳng tiến” lên sân khấu trong vai trò diễn viên, lần lượt từ sân khấu Hoàng Thái Thanh đến IDECAF, sau hàng loạt vai diễn ở phim truyền hình. Khán giả nhí mỗi khi đi xem kịch không còn chỉ nghe người dẫn chuyện đọc tên chú Quang Thảo, mà đã thấy chú ấy hóa thân thành các ông vua trên sân khấu.

Đứng trên sàn diễn đương nhiên có những niềm vui, nhưng viết kịch bản với anh luôn tràn đầy thú vị. Quang Thảo tự nhìn nhận mình là một diễn viên bình thường, nhưng là một người viết kịch bản khá tốt. Anh tự tin hơn khi viết kịch bản. Khi ấy, anh tha hồ bay bổng và có mọi “quyền năng” để đặt để số phận mỗi nhân vật. Anh vui thích khi tưởng tượng ra những thế giới xa lạ và đặt cho chúng những cái tên ngộ nghĩnh. Khán giả thiếu nhi đã xem Ngày xưa ngày xưa chắc chắn không quên vịnh tiên cá, thuyền trưởng sáng suốt, thủy ngọc quyền năng, ác tiên mắc ma…

Viết kịch bản thiếu nhi là phần việc quan trọng trong sự nghiệp của Quang Thảo. Anh sẽ vui khi được có mặt trong tuổi thơ của các em, để khi lớn lên các em sẽ kể về thuở nhỏ được ba mẹ dẫn đi xem Ngày xưa ngày xưa trong những dịp Hè, Giáng sinh, Tết Trung Thu, dịp1/6… như những kỷ niệm đáng nhớ. Cuộc sống ngày nay, đôi khi các dịp lễ dành cho thiếu nhi trở nên hình thức hơn và được diễn ra theo những “công thức” thiếu cảm xúc, nên Quang Thảo rất yêu quý mùa Hè. Vì đó là một khoảng thời gian tương đối dài để các bé được ba mẹ đưa đến sân khấu và tương tác với các cô chú diễn viên bằng tất cả những cảm xúc vui buồn của mình.

Quang Thảo hoạt động trong giới giải trí với một tinh thần bình thản, không mong cầu khẳng định mình bằng danh hiệu và giải thưởng. Anh toàn tâm với từng việc mình làm và mọi kết quả sẽ đến sau đó. Quang Thảo nói vui rằng mỗi kịch bản Ngày xưa ngày xưa sẽ rút cạn kiệt sức lực của anh và năng lượng sẽ được tái tạo khi chúng được diễn trên sân khấu. Vậy nên, anh cứ viết rồi diễn, diễn rồi viết, miệt mài không ngừng bút.

Hiện tại cũng là lúc Quang Thảo đang “căng mình” với kịch bản mới. Anh nói vui: “Mỗi lần viết kịch bản mới là người cứ như trên mây. Mấy chục nhân vật cứ chạy trong đầu… Đây cũng là lý do em ở ẩn nha mọi người”. Vậy là khán giả yêu kịch lại có thêm một cái hẹn!

Anh là tác giả của nhiều kịch bản thiếu nhi và người lớn, như: Chiếc vòng gia bảo, Quan Thích… thích làm quan, Chúa tể muôn loài, Chuyện thần tiên xứ Phù Tang, Cuộc phiêu lưu của thuyền trưởng Sinbad: Đại chiến này tiên cá, Nàng công chúa và chiếc áo tầm gai, Cuộc phiêu lưu của thuyền trưởng Sinbad: Huyền thoại mắt thần…

Một số phim truyền hình anh đã đóng: Cổng mặt trời, Vầng trăng của đất, Một khúc cầm chơi, Sám hối, Ký ức mong manh, Mây trắng ngang trời, Tiếng dương cầm trên biển, Khi người quay lưng, Vùng đất không yên tĩnh, Tôi yêu cô đơn, Mùa sen cạn, Thuyền giấy, Đặc vụ Ma Cau, Mai Anh Đào…

Các giải thưởng: Nam diễn viên phim truyền hình xuất sắc nhất năm 2020 của Hội Điện ảnh TP.HCM, qua vai Minh Nghĩa trong phim Giọt máu vô hình. Giải A của Hội Sân khấu TP.HCM (2022 – 2023) cho vở Cuộc phiêu lưu của thuyền trưởng Sinbad: Đại chiến nàng tiên cá. Tác phẩm tiêu biểu năm 2023 do Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM vinh danh.

Exit mobile version
Chuyển đến thanh công cụ